Tác giả: DUY NHÂN (Người Lao Động)
Ở một nơi heo hút, trong căn nhà tranh vách lá có một vị hoàng thân. Đó là ông Nguyễn Phước Bảo Tài, cháu nội vua Thành Thái.
Tôi gặp Nguyễn Phước Bảo Tài khi ông đang ngồi ăn chung một dĩa cơm với vợ trong quán nhỏ đối diện chợ An Bình, quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ. Có lẽ, trong số những hậu duệ của vị vua yêu nước Thành Thái, người cháu nội Bảo Tài là nghèo khó nhất. Hằng ngày, ông phải chạy xe ôm, còn vợ đi bán vé số để mưu sinh.
Hoàng gia lưu lạc
Cách nay khoảng 6 năm, ông Bảo Tài cùng vợ là bà Nguyễn Bích Thủy rời ngôi nhà có đến 3 đời họ Nguyễn Phước cùng chung sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, về quê vợ ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền - TP Cần Thơ mượn đất cất nhà ở tạm đến giờ.
Căn nhà tranh vách lá của vị hoàng thân này rộng chừng 20 m2, nằm khuất trong một xóm nghèo heo hút. Trong nhà không có gì đáng giá, ngoài một số kỷ vật của gia chủ. Trong đó, có cả cặp nạng gỗ mà Bảo Tài đã từng sử dụng khi ông bị tai nạn nghề nghiệp gãy chân hơn một năm trước. Kệ thờ được chắp vá từ nhiều mảnh gỗ vụn đặt trang trọng hai bức ảnh vua Thành Thái lúc còn trên ngôi và khi bị đày ở đảo Réunion bên cạnh ảnh hoàng phi Chí Lạc, phía dưới là ảnh ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu - một trong 9 người con của vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc.
Theo một số tài liệu về dòng họ Nguyễn Phước ở Cần Thơ, sau khi trả tự do cho gia đình cựu hoàng Thành Thái trở về nước, chính quyền bảo hộ đã dùng nhiều thủ đoạn để chia cách mỗi người một phương. Năm 1949, hoàng tử Vĩnh Giu bị đưa xuống Cần Thơ để tham gia đội cầu đường thuộc Ty Giao thông Công chánh. Năm 1951, ông kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, người quê gốc Cần Thơ và sinh được 7 người con, trong đó có Bảo Tài. Để có tiền nuôi con, ngoài giờ làm việc, hằng đêm ông Vĩnh Giu còn đi làm nhạc công cho các quán bar trong TP.
Chính quyền bảo hộ vẫn luôn tìm cách gây khó khăn nên các con ông không ai được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1975, ông Vĩnh Giu thôi làm đốc công ở Ty Giao thông Công chánh, đưa gia đình về sống nương nhờ nhà mẹ vợ trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Tại đây, ông Vĩnh Giu làm nghề sửa xe đạp để mưu sinh.
Vua Thành Thái, hoàng phi Chí Lạc và hoàng tử Vĩnh Giu được thờ phụng trong nhà ông Nguyễn Phước Bảo Tài, Ảnh Người Lao Động |
Hoàng thân Bảo Tài hồi tưởng: "Trong nhà khi ấy, có đến gần 20 người nhưng chỉ anh hai Bảo Bồi là có việc làm ổn định, những người con trai còn lại đều chạy xe ôm hoặc làm thuê. Không có tiền mua xe, nhiều người phải thuê để chạy. Năm 2007, cha tôi mất, 2 năm sau thì anh Bảo Bồi cũng theo ông".
Đến nay, những người trong gia đình Nguyễn Phước ở Cần Thơ đã dần vượt qua được khó khăn nhờ con cháu họ lớn lên có việc làm ổn định, riêng ông Bảo Tài hằng ngày vẫn phải kiếm sống bên chiếc xe ôm. Chiếc xe tuy cũ nhưng là phương tiện mưu sinh duy nhất của ông. Đó cũng là quà tặng của người đi cùng đoàn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến về thăm ông Vĩnh Giu cách nay hơn 5 năm.
Quan trọng mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào
Hoàng thân Bảo Tài sinh năm 1964, đến năm 2004 mới lấy vợ và sinh được bé gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Thanh Tuyền nay 4 tuổi, có khuôn mặt thật đẹp nhưng bị bệnh tật từ khi mới lọt lòng. Bảo Tài nói đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông. Giờ ông cũng không hiểu chính xác được căn bệnh của con mình, chỉ nghe bác sĩ bảo là suy não.
Thanh Tuyền dường như thiếu khả năng tự tư duy và đi lại, thỉnh thoảng bé lại bị co giật, té ngửa. Ông Bảo Tài cho biết lúc chào đời, bé chỉ cân nặng 0,9 kg. Bác sĩ khuyên phải chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt mới hy vọng bé phát triển bình thường nhưng vợ chồng ông làm đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ mua cho con được 4 hộp sữa giấy loại rẻ tiền. Có lần nghe người mách về một loại sữa bột bổ não gì đó, Bảo Tài cũng muốn cho con dùng thử nhưng khi đến tiệm, ông đành tiu nghỉu ra về vì không đủ tiền mua.
Bà Nguyễn Bích Thủy ôm Thanh Tuyền vào lòng, nghẹn ngào: "Bận đi làm nên chúng tôi phải gửi cháu cả ngày cho người dì giữ hộ. Cháu vẫn nhận thức được nhưng chậm, đôi khi muốn nói vài từ đơn giản cũng phải suy nghĩ hồi lâu mới cất tiếng được. Do không thể chơi đùa nên cháu chỉ thích ngồi xem tivi. Nhưng hơn tháng trước, cháu phát bệnh mà trong nhà không có tiền, nhìn đi nhìn lại chỉ còn chiếc tivi, chồng tôi đành mang đi cầm lấy 200.000 đồng để mua thuốc. Người ta biết hoàn cảnh mới đồng ý cầm chứ chiếc tivi ấy có bán cũng chẳng được giá đó".
Vợ chồng ông Nguyễn Phước Bảo Tài trên đường ra chợ chạy xe ôm và bán vé số, Ảnh Người Lao Động |
Một lần nhìn con bị bệnh tật hành hạ, ông Bảo Tài không chịu nổi nên đã tìm đến Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ xin được giúp đỡ. Sau đó, UBND xã Nhơn Nghĩa mời ông lên gặp và đề nghị gia đình chọn một trong 3 phương án: Đưa Thanh Tuyền đi tuyến trên điều trị, cho bác sĩ đến tận nhà chữa bệnh cho cháu hoặc trợ cấp tiền hằng tháng.
Cân nhắc thật kỹ, cuối cùng ông Bảo Tài đành chọn phương án nhận tiền trợ cấp để mua thêm thuốc men và sữa cho con nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy đâu. Ông rầu rĩ: "Cách nay hơn một tháng, cán bộ xã đến nói vợ chồng tôi vẫn còn sức lao động, chưa đến mức khó khăn để phải giải quyết trợ cấp cho cháu. Tôi buồn lắm nhưng rồi cũng đành chịu thôi".
Tôi thật sự lấy làm lạ với thân thế Nguyễn Phước Bảo Tài, không chỉ do ông quá nghèo khó phải chạy xe ôm mưu sinh mà còn vì ít người biết đến người cháu nội của vua Thành Thái.
Thậm chí, khi về tận nơi Bảo Tài đang sinh sống, tôi hỏi thăm nhiều người mà vẫn không ai biết đến tên ông. Mãi đến khi tôi hỏi về "chồng của bà Nguyễn Bích Thủy", có người mới nhớ ra "ông già chạy xe ôm có khuôn mặt hơi đạo mạo" ấy. Bảo Tài kể có lần một tờ báo đăng tin ông là cháu nội vua Thành Thái, khi dừng xe bên lề đường đón khách, nhiều người qua lại nhìn ông lom lom dò xét rồi xầm xì: "Ông này mà có dính dáng tới vua chúa à? Cháu vua sao khổ dữ vậy?"...
Ông Bảo Tài chưa bao giờ nhắc chuyện thân thế hoàng tộc hoặc than vãn với ai về cuộc sống nghèo khó của mình. Bởi, ông nghĩ chính cha mình vốn là hoàng tử mà cả đời có bao giờ được sống trong giàu sang nhung lụa đâu? Thậm chí, cả vua Thành Thái cũng chấp nhận rời bỏ tòa lâu đài trên đảo Réunion để ra ngoài sống đời lao động.
Ông Bảo Tài tâm sự: "Tôi nghĩ điều quan trọng mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi tự hào về các bậc tiền nhân của mình và tự nhủ với lòng phải sống sao cho xứng đáng với họ. Cha cũng như ông nội tôi và bác là vua Duy Tân đều là những người bất khuất trước kẻ thù xâm lược và không màng danh lợi". Bảo Tài còn bộc bạch rằng có lẽ ông nghèo vì không bắt kịp thời cuộc nhưng lịch sử thì vẫn sẽ còn ghi mãi những cái tên Thành Thái, Duy Tân... Dứt câu chuyện, ông khoác vội chiếc áo gió cũ sờn rồi lên chiếc xe máy đã bạc phếch màu sơn hòa vào dòng người giữa phố thị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét