Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Truyện về Đức Phật Thích Ca ra đời (phần 2)

Cuộc thi tài cầu hôn
 

Thái tử ngày càng trưởng thành, lòng nhân ái của cậu càng được mọi người thương yêu quý mến. Song cha của cậu thì lại lo rầu. Ông nghĩ: “Tất Ðạt Ða quá nhân ái và nhiều cảm xúc. Ta muốn con trai của ta trở thành một vị vua vĩ đại, có sức mạnh và đầy uy lực. Nhưng thái tử lại thích trầm tư một mình ở trong vườn hơn là học cách thức cai trị một vương quốc. Ta lo lắng con trai của ta chẳng bao lâu sẽ từ bỏ hoàng cung, sống đời ẩn sĩ như lời đạo sĩ A Tư Ðà đã tiên đoán. Nếu thật sự như vậy thì thái tử sẽ không bao giờ trở thành vị vua vĩ đại”.

Vua rất lo lắng về việc thái tử sẽ ra đi. Vua đem nỗi lo của mình trình bày cho các quan nghe. Có một người đề nghị: “Tâu bệ hạ, thái tử hay ngồi lặng yên và mơ mộng về những thế giới khác, bởi vì cậu ta chưa tiếp xúc với hiện thực của cuộc đời này. Xin bệ hạ hãy kiếm cho thái tử một người vợ, khi thái tử có vợ và có con rồi sẽ không còn mơ mộng nữa và sẽ quan tâm đến việc học tập, cách thức cai trị vương quốc”.

Vua cho rằng đây là một đề nghị rất tuyệt vời. Vua liền cho tổ chức một buổi nhạc hội lớn ở trong cung điện. Tất cả những thiếu nữ xinh đẹp từ các gia đình quý tộc được mời đến tham dự. Cuối buổi nhạc hội thái tử được mời tặng quà cho từng cô gái, trong lúc thái tử tặng quà các quan theo dõi xem chàng thích cô nào.

Những cô gái trẻ rất lúng túng khi xuất hiện trước thái tử. Thái tử trông đẹp trai và nổi bật hẳn giữa đống quà đắt tiền để trên bàn phía trước mặt. Từng cô gái rụt rè tiến đến chỗ thái tử, không dám nhìn lên. Các cô lặng lẽ nhận nhẫn, vòng xuyến xong vội vã trở về chỗ cũ.


 
Cuối cùng có một cô gái trẻ tên là Da Du Ðà La (Yasshodara), con gái của ông vua nước lân cận, không như những cô gái khác, cô tiến đến chỗ thái tử một cách tự nhiên. Ðây là lần đầu trong đêm, thái tử nhìn chăm chú vào cô gái này. Nàng rất xinh đẹp và thái tử dường như đã bị sắc đẹp của nàng thu hút.

Họ đứng bất động, bốn mắt nhìn nhau say đắm. Lúc ấy Da Du Ðà La dịu dàng lên tiếng: “Dạ thưa thái tử, quà của em đâu?”. Thái tử như người trong mơ vừa tỉnh, cậu nhìn xuống bàn nhưng quà tặng đã hết. Thái tử vội nói: “Ðây, hãy nhận món quà này”. Thái tử tháo chiếc nhẫn trong tay ra. “Ðây là món quà anh tặng em”. Da Du Ðà La lịch sự đón nhận chiếc nhẫn và từ từ đi về chỗ cũ.

Các quan đã thấy rõ mọi việc và vui mừng đến báo cho vua biết. Họ sung sướng tường thuật: “Tâu bệ hạ, chúng tôi đã tìm được một cô gái xứng đáng cho thái tử. Cô ta là công chúa Da Du Ðà La, con gái của vua Thiện Giác (Suprabuddha) ở nước láng giềng. Xin bệ hạ hãy đi qua gặp ông vua này và xin cưới con gái của ông cho thái tử”.

Vua Tịnh Phạn đồng ý và chuẩn bị lễ vật đi qua gặp cha của Da Du Ðà La. Vị vua này tiếp đón vua Tịnh Phạn rất thân mật và nói: “Tôi biết con trai của Ngài là một người rất tốt, song tôi không thể gả con gái của mình cho một người nào đó một cách đơn giản. Nhiều thái tử khác cũng xin cưới con gái tôi và họ đều là những chàng trai tuyệt vời. Họ rất điệu nghệ trong việc cưỡi ngựa, bắn cung và chơi các môn thể thao quý tộc khác. Thái tử sẽ phải thi tài với những người cầu hôn đó theo phong tục của chúng tôi”.


Sau đó một cuộc thi tài được tổ chức và Da Du Ðà La xinh đẹp là phần thưởng quý giá nhất. Vua Tịnh Phạn rất lo âu, ông nghĩ: “Con trai ta không quan tâm đến các môn chơi của chiến sĩ, liệu nó có thể chiến thắng cuộc thi tài này không?”. Thái tử hiểu được nỗi lo của cha nên thưa rằng: “Xin vua cha đừng quá lo lắng. Con sẽ làm hết khả năng của mình để chiến thắng và Da Du Ðà La sẽ là vợ của con”.


Cuộc thi đầu tiên là bắn cung. Những chàng trai đặt những tấm bia của họ ở khoảng cách xa mà họ có thể bắn trúng chấm giữa của bia. Khi tới lượt Ðề Bà Ðạt Ða – em họ của Tất Ðạt Ða – cậu ta không chỉ bắn trúng điểm giữa của bia, mà còn xuyên qua cả tấm bia. Mọi người hoan hô nồng nhiệt. Riêng Da Du Ðà La lại che giấu nỗi lo của mình. Cô nghĩ: “Làm sao Tất Ðạt Ða yêu quý của ta có thể bắn được như thế?”


Thái tử rất tự tin ở khả năng của mình. Ðến lượt chàng thi bắn, Tất Ðạt Ða đặt tấm bia xa tít tầm mắt mọi người. Rồi chàng lấy một mũi tên từ trong bao ra nạp vào cung. Tuy nhiên do thái tử quá mạnh tay nên khi kéo cây cung đã gãy đôi. 

Thái tử nói: “Làm ơn tìm cho tôi một cây cung khác, chắc hơn cây cung này”.



Một ông quan nói: “Thưa thái tử, có một cây cung rất cổ ở trong cung. Cây cung này của một chiến sĩ mạnh nhất thời bấy giờ. Kể từ khi ông ta chết đến nay chưa có ai đủ sức kéo nổi dây cung này, huống hồ bắn nó được”.



“Tôi sẽ bắn cây cung ấy”, thái tử tuyên bố trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau khi họ đem cây cung đến, thái tử cầm cây cung lên, thử uốn cong và kéo dây một cách dễ dàng. Sau đó thái tử tra tên vào cung, kéo hết dây và nhắm mục đích. Choang! Phát tên bắn ra kêu to đến nỗi những người trong làng cách xa đó cũng nghe được. Mũi tên xé gió đi rất nhanh, khi nó trúng tấm bia – ngay trung tâm điểm – chẳng những nó không dừng lại đó mà còn xuyên qua tiếp tục và bay xa tít tầm mắt của mọi người.


Ðám đông hoan hô nồng nhiệt “Thái tử chiến thắng! Thái tử chiến thắng!”. Song bắn cung mới chỉ là cuộc thi tài đầu tiên trong ngày. Cuộc thi đấu kế tiếp là kiếm thuật.


Mỗi người chọn một cây kiếm và biểu lộ sức mạnh của mình bằng cách hạ thân cây gần đó với một nhát gươm của mình. Người thứ nhất hạ một thân cây dầy khoảng 15 cm. Người thứ hai 22 cm. Người thứ ba 30 cm.



Ðến lượt thái tử, chàng chọn một cây mà hai thân mọc sát nhau. Thái tử vung gươm chém một nhát thật nhanh, cắt ngang thân cây trong chớp mắt, nhưng nó vẫn đứng sừng sững đó. Lưỡi gươm của thái tử quá bén đến nỗi vết cắt không làm cho thân cây đổ ngã. Khi mọi người nhìn thấy cây không đổ, cả đám đông, nhất là Da Du Ðà La than thở: “Thái tử đã thất bại. Nhát gươm của chàng đã không cắt đứt được thân cây”.


Lúc ấy chợt một cơn gió mạnh thổi đến làm thân cây lay động và từ từ lật đổ. Lời than của đám đông chuyển qua vui mừng và họ lại reo lên: “Thái tử chiến thắng”.


Cuộc thi cuối cùng là môn cưỡi ngựa. Một con ngựa hoang hung dữ, chưa có người nào cưỡi được nó, đang được những người đàn ông khỏe mạnh dắt ra. Mỗi người cầu hôn gắng leo lên cưỡi nó. Nhưng con ngựa cứ nhảy chồm lên và đá hậu rất dữ. Không một ai có thể leo lên lưng nó được. Cuối cùng một chàng trai cũng đã điều phục được nó, ngồi trên lưng nó để cho những người giữ ngựa dắt đi. Thế nhưng chỉ một lát nó đã nhảy bổ lên với sự giận dữ, hất người ngồi trên lưng nó rơi xuống đất. Nếu không được sự cứu giúp kịp thời của những người giữ ngựa lôi anh ta ra chỗ an toàn, thì có lẽ ngựa đã giẫm anh chết rồi.


Khán giả bắt đầu la ó: “Hãy ngưng ngay cuộc thi đấu này đi! Không nên để thái tử đến gần con ngựa đó. Nó rất nguy hiểm. Nó sẽ giết chết thái tử”. Nhưng thái tử vẫn bình tĩnh. Chàng nghĩ: “Tính hiền dịu có năng lực hơn cả sức mạnh vũ phu”. Thái tử từ từ tiến ra chỗ con ngựa. Chàng vuốt ve những chòm lông trên đầu nó, nói thì thầm vào lỗ tai nó, nhẹ nhàng vuốt lên đầu lên mình nó. Thái tử đã làm dịu đi cơn giận dữ và sợ hãi của nó.


Một lát sau con ngựa trở nên hiền lành. Nó bắt đầu liếm tay của Tất Ðạt Ða. Thái tử vẫn thì thầm dịu ngọt với nó. Sau đó chàng leo lên lưng nó một cách dễ dàng. Thái tử cưỡi ngựa diễu hành ngang qua mọi người, trong những tiếng reo hò vui mừng của họ. Thái tử đã đón nhận phần thưởng quý giá, đó là công chúa Da Du Ðà La xinh đẹp. Cuộc thi tài đã kết thúc. Thái tử Tất Ðạt Ða đã chiến thắng. Cuộc thi tài đã chứng tỏ thái tử Tất Ðạt Ða không chỉ có sức mạnh phi thường, mà còn có cả lòng từ bi vô hạn nữa.


Những cung điện như ý
 
Chẳng bao lâu thái tử Tất Ðạt Ða và công chúa Da Du Ðà La tổ chức lễ cưới. Vua mong muốn con trai của mình sẽ không có ý lìa bỏ vương quốc, nên ông đã ra lệnh cho xây ba cung điện tuyệt đẹp để cho đôi vợ chồng mới cưới ở. Vua nói với những người thợ xây dựng: “Hãy làm chúng thật tuyệt đẹp, ta muốn những ngôi nhà này thật nguy nga lộng lẫy, đến mức khi người ta vào trong đó sẽ nghĩ rằng họ đang ở nơi thiên đường.


“Ta muốn xây một cung điện mùa Hè làm bằng cẩm thạch mát rượi và bao quanh là những ao hồ, những suối nước mát. Cái thứ hai là cung điện mùa Ðông, ấm áp và thoải mái. Cái thứ ba sẽ dùng cho mùa mưa. Vị trí của các cung điện này sẽ ở giữa một công viên lớn, với cảnh đẹp nhìn từ mọi mặt. Một bức tường cao lớn xây bao quanh công viên để những thứ phiền toái ở bên ngoài không thể xâm nhập được. Mọi thứ đều tốt đẹp toàn hảo để thái tử Tất Ðạt Ða không bị cảnh khổ cuộc đời xúi giục từ bỏ”.



Vua cố gắng làm hết sức mình để cho những ngôi nhà này thật đẹp, thật hấp dẫn nhằm thu hút thái tử. Vua mời những dàn nhạc tài nghệ trong nước đến biểu diễn suốt ngày đêm. Tất cả người phục vụ đều là những cô gái trẻ đẹp giỏi khiêu vũ. Ðầu bếp phải nấu những món ăn ngon và thay đổi liên tục. Không ai được phép vào trong cung điện làm xáo trộn tâm trí yên tĩnh của thái tử, gợi cho thái tử ý niệm từ bỏ cung điện.


Ðã nhiều năm qua thái tử Tất Ðạt Ða sống trong cảnh thiên đường này. Từ sáng tới tối thái tử được tiêu khiển bằng hàng ngàn thứ khác nhau. Chàng không bao giờ nhìn thấy những thứ không tốt đẹp, không hề nghe những âm thanh không được êm dịu ngọt ngào. Nếu có một người nữ hầu bị bệnh, cô ta sẽ lập tức được đưa đi chỗ khác cho đến khi nào lành bệnh mới được trở lại. Với biện pháp này thái tử sẽ không bao giờ thấy cảnh người bệnh hay bất cứ cái gì gây ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của thái tử. Vua còn ra lệnh tất cả mọi người không được nói những chuyện buồn rầu chán nản với thái tử. Ngay cả một cây hoa trong vườn bắt đầu héo rũ, người làm vườn phải nhổ bỏ đem đi nơi khác. Làm như vậy thái tử sẽ không bao giờ thấy những bông hoa héo tàn. Với những biện pháp này, vua muốn thái tử không thấy biết gì về những nỗi khổ và những điều bất hạnh của cuộc sống hiện thực.


 
Thời gian êm đềm trôi qua như một giấc mơ. Da Du Ðà La đã sinh một bé trai là La Hầu La (Rahula) và mọi việc dường như trôi qua một cách tốt đẹp. Vua rất hài lòng vì biện pháp của mình đã làm cho thái tử quan tâm đến đời sống hoàng gia hơn là việc từ bỏ cung điện. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là thái tử sung sướng nhất đời khi có được đứa con trai và sẽ thỏa mãn đời sống trong sự huy hoàng nhàn hạ ấy. Một ngày nào đó khi nhân duyên đầy đủ, thái tử cũng sẽ khám phá ra chân lý của cuộc đời.

Một bài ca hay
 
Một buổi chiều sau khi dùng cơm xong, thái tử Tất Ðạt Ða nằm nghỉ trên giường, đầu tựa vào lòng của Da Du Ðà La. Nhạc công đang chơi những điệu nhạc nhẹ nhàng êm dịu. Những nàng hầu đang thì thầm và mỉm cười vui vẻ với nhau. Kể từ khi chuyển vào cung điện như ý này, chiều nào thái tử cũng được thưởng thức những cuộc vui như vầy. Nhưng đêm nay thái tử cảm thấy bồn chồn khó ngủ. Thái tử đề nghị với một nhạc công ưa mến nhất: “Hãy ru ta ngủ bằng một bài ca hay. Nhớ chọn một bài mà các bạn chưa từng hát trước đây”.
 

Người ca sĩ thanh lịch vâng lời và bắt đầu hát những lời ca nhẹ nhàng êm ái, phát ra từ tâm hồn của mình và được nhạc công đệm phụ họa theo một cách hài hòa. Bài hát ca ngợi vẻ đẹp của thế giới, những vùng đất xa nơi mà cô ta đã đi qua khi còn thơ ấu; ca ngợi thành phố thịnh vượng nơi mà dân chúng đang sống tràn đầy hạnh phúc an vui.

Bài ca đã làm say mê thái tử. Ca sĩ vừa hát dứt lời, thái tử liền hỏi: “Hãy nói thật cho ta biết, có những nơi tuyệt đẹp bên ngoài bức tường của khu vườn này không? Người ta đã sống như thế nào trong thành phố ấy? Và những thứ mà thế giới bên ngoài đó có đáng yêu hơn những thứ ta đã thấy trong cung điện lộng lẫy này không? Hãy nói cho ta biết sự thật về tất cả những thứ ấy đi”.

Cô gái trả lời: “Thưa thái tử, chắc chắn cung điện mà thái tử đang sống là tuyệt vời nhất rồi. Thế nhưng cũng còn có nhiều thứ khác đẹp hơn ở thế giới bao la bên ngoài cung điện này. Những thành phố và tỉnh lỵ với những dãy phố xinh đẹp; những núi đồi và thung lũng hùng vĩ nên thơ; có những vùng đất xa xôi nơi ấy người ta nói các thứ ngôn ngữ khác nhau. Có nhiều thứ mà tiện thiếp đã thấy và cũng còn rất nhiều thứ mà tiện thiếp chỉ mới nghe đến. Cung điện và khu vườn của thái tử thật ra rất xinh đẹp, song vẫn còn có rất nhiều thứ đáng được thưởng ngoạn ở bên ngoài của bức tường thành này”.

Nghe xong thái tử rất mong muốn được ngắm nhìn tận mắt những cảnh quan đẹp và lạ ấy. Ðã nhiều năm qua thái tử chỉ sống trong những bức tường của khu vườn và cung điện như ý, hoàn toàn không để ý đến thế giới bên ngoài. Bây giờ thái tử ao ước được du ngoạn bên ngoài cung điện và chàng đã gởi lời thỉnh cầu đến vua cha cho phép chàng được dạo quanh thành phố.

Vua đã đồng ý lời thỉnh cầu của con trai. Ông nghĩ: “Bây giờ con trai ta mong muốn được nhìn thấy vương quốc của ta. Ðây là thời điểm thích hợp, bởi lẽ nó đã thỏa mãn trong cung điện như ý rồi, bây giờ để cho nó được nhìn thấy thực tế vương quốc mà nó sẽ cai trị sau này”.


 Một cảnh quan bất như ý
 
Vua không muốn con trai của mình trông thấy những thứ phiền lòng khi đi du ngoạn. Bởi vì những thứ ấy có thể khiến cho thái tử khởi lên ý nghĩ sẽ từ bỏ vương quốc đi theo đời sống ẩn sĩ. Cho nên trước ngày thái tử đi thăm thành phố, vua đã chỉ thị cho các quan quân đi thông báo cho dân chúng biết rằng: “Ngày mai thái tử Tất Ðạt Ða sẽ đi thăm thành phố Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Mọi người hãy trang hoàng nhà cửa và đường phố cho sạch đẹp. Những người già yếu bệnh tật phải ở trong nhà suốt ngày mai. Mọi thứ trong thành phố phải tươi tốt sạch đẹp”. Sau đó quân đội đã đưa tất cả những người ăn xin trên đường phố đến nơi mà thái tử không đi ngang qua.


Sáng hôm sau, Xa Nặc (Channa) người chăn ngựa đã chuẩn bị con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) yêu quý của thái tử và đưa thái tử ra khỏi hoàng cung. Trong suốt thời thơ ấu đây là lần đầu tiên thái tử được ngắm nhìn quang cảnh thành Ca Tỳ La Vệ. Và đây cũng là lần đầu người dân của thành phố được nhìn thấy thái tử của họ. Mọi người rất sung sướng đứng xếp thành hàng trên những con đường mới trang hoàng để được ngắm nhìn chàng trai trẻ đẹp đi ngang qua. Họ nói với nhau: “Trông thái tử tướng hảo quang minh và dễ thương làm sao”. Người thì nói: “Cặp mắt của thái tử đẹp thật. Chúng ta rất diễm phúc được thái tử sẽ là vua của chúng ta trong tương lai”.

Thái tử cũng rất sung sướng khi nhìn thấy mọi thứ. Thành phố trang hoàng lộng lẫy và sạch đẹp. Nơi nào cũng thấy người ta vui cười, hoan hô và ca múa. Trên đường nơi thái tử đi qua dân chúng vui mừng rải hoa đầy lên người thái tử yêu quý của họ. Thái tử sung sướng nhớ lại: “Bài ca thật là đúng. Ðây quả là một thành phố phồn vinh, xinh đẹp và tốt lành”.



Thế nhưng khi thái tử và người chăn ngựa đang đi qua đám đông, họ bỗng phát hiện một người già khom lưng vẻ mặt buồn rầu trong đám người vui vẻ. Lạ kỳ – bởi vì thái tử chưa thấy những người già như vầy – nên thái tử quay qua hỏi: “Xa Nặc, người đó là ai vậy? Tại sao ông ta lại cúi gập người và không ca múa như mọi người? Tại sao gương mặt của ông không tươi láng như những người khác, mà lại tái nhợt và nhăn nheo? Tại sao ông ta khác người như vậy?”

Xa Nặc chỉ người đàn ông đang lẩn khuất ở trong đám đông và trả lời với thái tử rằng: “Thưa thái tử, đó chỉ là một ông già”.
“Ông già!”, thái tử hỏi lại. “Người này luôn luôn “già” như vậy từ trước đến nay hay nó chỉ mới xảy ra gần đây?”


Xa Nặc trả lời: “Không, thưa thái tử. Nhiều năm trước ông già này cũng là một thanh niên khỏe mạnh như những người khác mà Ngài đã nhìn thấy tại đây hôm nay. Nhưng dần dần sức khỏe của ông ta giảm sút, thân thể khom dần, màu sắc của gương mặt héo tàn, răng rụng. Và bây giờ thân thể ông ta tàn tạ như thế”.

Vừa ngạc nhiên vừa buồn bã thái tử hỏi lại: “Người đàn ông đáng thương ấy chỉ có một mình ông ta đau khổ vì tuổi già sức yếu? Hay những người khác cũng phải bị như vậy?”.

“Thưa thái tử, tất cả mọi người đều phải trải qua tuổi già. Thái tử, tôi, vợ và con thái tử cùng mọi người trong cung điện, chúng ta đang trở nên già từng giây từng phút. Một ngày nào đó chúng ta sẽ giống ông già này”.

Những lời này làm cho thái tử buồn rầu trầm ngâm giây lâu. Thái tử giống như người bị khủng hoảng bởi một tiếng sét đột ngột. Một hồi lâu thái tử lấy lại bình tĩnh và nói: “Này Xa Nặc, những gì ta thấy hôm nay ta không muốn thấy nữa. Trong giữa những người trẻ tuổi vui sướng này, cảnh tượng của người già đã làm ta chán ngán. Hãy quay trở lại cung điện. Tất cả những thú vui của cuộc đi dạo này đã trôi qua. Hãy trở về ngay, ta không muốn thấy nữa”.

Xa Nặc vâng lệnh. Khi họ về tới nhà, thái tử đi một mạch vào cung điện không nói với ai lời nào, vội vã lên lầu và vào phòng riêng ngồi lặng yên một mình. Mọi người nhận ra sự lạ kỳ này và đã cố gắng làm cho thái tử vui vẻ, nhưng không có kết quả. Tới giờ ăn thái tử không thiết ăn một món gì, dù cho người đầu bếp đã sửa soạn một bữa ăn thật ngon. Thái tử không quan tâm đến âm nhạc hay khiêu vũ, chỉ ngồi trầm ngâm một mình: “Tuổi già, tuổi già, tuổi già ...”


Cuộc đi dạo lần thứ hai
 
Vua Tịnh Phạn nghe được tâm trạng không hài lòng của con trai mình và cho rằng có điều gì chưa vừa ý. Vua nghĩ: “Ta sẽ sắp xếp một cuộc đi dạo khác cho thái tử, nhưng lần này cảnh quan của thành phố phải tươi đẹp hơn”.

Vì thế Xa Nặc chuẩn bị con ngựa Kiền Trắc một lần nữa và họ đã rời khỏi cung điện đi vào thành phố Ca Tỳ La Vệ. Trên những con đường được trang hoàng xinh đẹp hơn trước, và người ta rất sung sướng đón chào thái tử. Nhưng lần này thái tử và người giữ ngựa lại nhìn thấy một người bệnh xuất hiện ở trong đám đông đang vui cười ấy.

Thái tử chợt thốt lên: “Nhìn kìa Xa Nặc. Người đàn ông kia làm sao mà ho dữ dội, run cả thân thể và rên rỉ thảm thương như thế?”

– Thưa thái tử đó là người bệnh.
– Tại sao ông ta bị bệnh?

– Người ta bị bệnh có rất nhiều lý do, thưa thái tử. Có lẽ ông ta ăn nhầm thức ăn xấu, hoặc là để cho thân thể nhiễm lạnh nên bị mất quân bình và ông ta bị cảm sốt.
– Tất cả những người vui vẻ trong đám đông đó cũng có thể bị bệnh như người này không?
– Thưa thái tử, có. Bất cứ người nào dù khỏe đến đâu cũng có ngày bị bệnh. Bệnh tật không chừa một ai cả.


Cuộc đi du ngoạn lần thứ hai này thái tử bị cú sốc nặng hơn. Thái tử nói: “Ta không sao hiểu nổi, làm thế nào mà người ta lại vô tư và vui sướng khi bệnh tật đang từng phút từng giây đe dọa họ. Thôi hãy quay trở về đi Xa Nặc, ta đã nhìn thấy sự thật về cuộc đời qua cuộc đi dạo ngày hôm nay rồi”.

Khi thái tử trở về cung điện, thái tử cảm thấy buồn hơn cuộc đi dạo lần trước. Không ai làm cho thái tử vui cười được và thái tử cũng không muốn nói chuyện với ai. Khi vua cha biết được con trai mình không được vui sau chuyến đi thứ hai này, ông rất lo âu và bối rối: “Ta đã làm hết sức mình để cho con trai ta vui vẻ, song cuối cùng trái tim của nó lại tràn đầy buồn rầu. Ta phải hỏi các quan xem có cách nào làm cho con trai của ta tươi vui hơn không”.

Các quan đề nghị với vua rằng, lần sau thái tử muốn đi dạo thì không nên để thái tử đi một mình. Tốt hơn nên cho các ca sĩ, vũ công và những người quý phái trong cung cùng đi với thái tử. Họ sẽ có kế hoạch đưa thái tử đi thăm một khu vườn đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn, nơi đây thái tử sẽ được giải trí bởi tất cả các thứ vui chơi.

Khi thái tử Tất Ðạt Ða xin đi dạo thành phố một lần nữa, mọi thứ được chuẩn bị chu đáo và hết sức thoải mái. Thành phố được trang hoàng đẹp hơn lần trước. Tất cả những cảnh quan xấu được chuyển đi hết và khu vườn đặc biệt được chuẩn bị với tất cả thú vui trong ấy.


Cú sốc cuối cùng
 
Tất Ðạt Ða và Xa Nặc lại rời khỏi cung điện bằng ngựa. Cùng đi có các quan hộ tống, những nhạc công và người hầu, giống như một buổi lễ diễu hành. Cũng như những lần trước, dân chúng đứng thành hàng trên đường phố và họ say mê ngắm nhìn đoàn diễu hành của hoàng gia.



Song lần đi dạo thứ ba này, thái tử và Xa Nặc lại nhìn thấy một cảnh tượng đau buồn. Ðó là một tốp người u sầu đang khiêng một chiếc quan tài người chết, xuất hiện từ trong căn nhà và đang chậm chạp đi ra đường.


– Xa Nặc, tại sao người đàn ông kia lại nằm im trong chiếc hộp? Ông ta ngủ hay sao? Tại sao những người đi theo lại khóc? Và họ khiêng ông ta đi đâu?
– Thưa Ngài, đó là người chết. Họ đang đưa ông ta đến bờ sông, nơi đó sẽ thiêu thân xác ông ta.
Thái tử ngạc nhiên hỏi: “Chết à? Chết nghĩa là gì? Và nếu họ thiêu đốt thể xác của ông ta, ông ta có bị đau đớn không? Xa Nặc hãy giải thích cho ta rõ vấn đề này”.


Xa Nặc đành phải giải thích cho thái tử biết về những sự thật mà cha của Ngài đã giấu kín từ nhiều năm qua. “Cuộc đời của người đàn ông đó cũng như thái tử và tôi bây giờ. Ông ta sinh ra, lớn lên, rồi trở thành một người đàn ông. Ông ta đã trải qua những sự vui buồn thăng trầm của cuộc sống, nào là xây dựng gia đình, làm việc để nuôi sống bản thân và vợ con. Trải qua thời gian vài chục năm, thân thể ông ta trở nên già yếu, bệnh tật và nằm liệt trên giường. Lúc ấy ông ta không còn nhận thức được gì nữa, ngay cả đến những người bạn thân thiết nhất. Rồi ông ta ngày một yếu dần và cuối cùng hơi thở lìa khỏi xác. Mạng sống đến đây chấm dứt, và ông ta đã chết. Chỉ còn lại cái xác lạnh lẽo không hồn, không còn cảm giác gì nữa cả. Một thân xác mà suốt đời ông ta chăm sóc nó nay trở thành vô nghĩa, chỉ còn lại một nắm tro tàn sau khi thiêu xong”.

– Ai cũng phải trải qua sự chết như vậy phải không Xa Nặc?
– Không, thưa thái tử. Thật ra một số người không có cơ hội sống đến già. Một số người rất ít khi bị bệnh. Song tất cả mọi người đều phải chết một ngày nào đó, không có ngoại lệ khác hơn.


Những lời trình bày của Xa Nặc gây ấn tượng sâu đậm trong tâm thái tử. Chàng nói: “Có nghĩa là một ngày nào đó, vợ ta, con ta, những bạn bè của ta và cả bản thân ta cũng sẽ phải chết? Và tất cả những người hiện diện nơi đây với áo quần đẹp đẽ và rất hãnh diện như thế này cũng sẽ chết ư? Ồ, thật là mù quáng thay, cả thế giới vẫn cứ mải mê ca múa, quay cuồng theo dục vọng trong khi cái chết đang đến gần họ! Tại sao họ lại cứ se sua lo chuyện chưng diện áo quần cho tốt mà không biết một ngày nào đó họ chỉ còn phủ lên mình một tấm vải trắng thô sơ? Phải chăng họ chỉ nhớ những thứ thiển cận mà quên đi sự chết? Hay trái tim của họ quá chai đá đến nỗi ý nghĩ về sự chết không làm họ lo sợ? Xa Nặc, hãy quay xe lại. Ta muốn trở về cung điện”.

Xa Nặc đánh xe ngựa trở về khu vườn xinh đẹp. Nơi đó những ca sĩ và vũ công đẹp nhất cung điện đang chờ đợi cùng với các nhạc công, các quan và một bàn tiệc thịnh soạn được chuẩn bị bởi các đầu bếp của hoàng gia. Họ đón chào thái tử một cách nồng nhiệt khi thái tử từ trên xe ngựa bước xuống. Thế nhưng thái tử không thiết gì cả. Tư tưởng của chàng hoàn toàn bị thu hút bởi những gì đã xảy ra mà chàng chứng kiến khi nãy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét