Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Truyện về Đức Phật Thích Ca ra đời (phần 3)

Thú vui tan dần 
 
Mọi người cố gắng hết sức để làm vui lòng thái tử. Những vũ công xinh đẹp vui đùa với thái tử, hy vọng làm cho gương mặt đẹp trai buồn rầu của chàng vui tươi trở lại, nhưng thái tử không hề quan tâm đến họ. Trong tâm trí của chàng lúc này là hình ảnh già, bệnh, chết đang chiếm ngự.



Một trong những vị quan thấy thái tử không vui bèn đến động viên chàng. Với lối nói vui đùa của một người bạn, ông nói: “Thật không phải tí nào khi thái tử lại lơ là với những vũ công đáng yêu này và từ chối cuộc vui với họ. Bạn ơi! Bạn còn trẻ đẹp và khỏe mạnh, cứ vui hưởng sự sống đi. Có việc gì đâu? Bộ những cô gái này không đáng yêu đối với bạn sao?”

Với giọng nói cương nghị thái tử trả lời: “Ngài đã hiểu lầm tôi rồi. Chẳng phải tôi không thích những người và những thứ đáng yêu mà tôi thấy nơi đây. Nhưng khi nghĩ đến sắc đẹp của họ sẽ phai tàn, mọi vật sẽ thay đổi nhanh chóng, khiến tôi không thể tìm thấy niềm vui chân thật trong những thứ ấy một tí nào cả.

Nếu không có già, bệnh và chết, khi ấy tôi mới có thể tìm thấy nguồn vui lớn đối với mọi vật. Thế nhưng, những thứ bất hạnh ấy đang chờ đợi chúng ta trong tương lai. Làm sao tôi có thể hài lòng với những thứ vui chóng tàn như thế?

Ngài ắt hẳn phải có một trái tim nồng nhiệt hơn tôi nên mới hài lòng một cách dễ dàng như vậy. Nhưng đối với tôi mọi thứ mà tôi thấy đang bốc cháy bởi khổ đau. Chừng nào tôi chưa tìm ra con đường thoát khỏi những nỗi khổ ấy, thì những thú vui của thế gian này không lôi cuốn được tôi”.

Vì không thể nào làm cho tâm trạng của thái tử vui tươi được, mọi người chán nản trở về hoàng cung. Khi các quan tâu lên đức vua về tình trạng thái tử không được vui vì bị những cảnh bên ngoài tác động, nhà vua quá rầu buồn, đến nỗi không thể ngủ được. Ngài nghĩ: “Ôi! Con trai yêu quý của ta, làm thế nào ta có thể giữ được con ở lại vương quốc? Ta phải làm gì để con hài lòng mà ở lại đây?”. Những ý nghĩ lo sợ đứa con trai yêu quý của mình sẽ từ bỏ hoàng cung, khiến nhà vua tuyệt vọng trằn trọc cả đêm.


Ý tưởng thoát trần
 
Thái tử Tất Ðạt Ða ngày càng chìm sâu vào những suy tư về cuộc đời. Chàng dường như không còn quan tâm đến một thứ gì. Chàng cũng không thiết đến ăn uống, sức khỏe bắt đầu kém đi và nước da trở nên xanh xao. Vua và mọi người rất lo ngại về những thay đổi không tốt này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của thái tử.

Một hôm thái tử đến gặp vua và thưa: “Thưa cha, gần đây tâm con không được an, xin phép cha cho con được đi dạo một lần nữa. Hy vọng sự thay đổi cảnh quan lần này sẽ làm con an vui hơn”.
Vua đồng ý ngay lời thỉnh cầu của con trai mình. Lần này ông sẽ làm mọi thứ để thái tử được hài lòng và vui tươi trở lại. Vua ngầm sai các quan theo sát và để ý thái tử.

Thái tử cùng với Xa Nặc và các quan đồng ra cửa thành phía Bắc du ngoạn. Trong lúc dạo cảnh, các quan đã cố gắng kể những câu chuyện vui để cho thái tử quên hết những ưu tư, nhưng thái tử cũng chẳng quan tâm gì đến những lời tán gẫu của họ. Một lúc sau, thái tử nhìn thấy một người râu tóc cạo sạch, choàng trên mình chiếc áo vá nhiều mảnh, tay ôm bình bát, mắt nhìn thẳng mà đi, hình dạng rất đoan chính, oai nghi đĩnh đạc khả kính. Thái tử liền hỏi Xa Nặc:

– Người đó là ai mà tướng mạo và mặc áo khác người như vậy?


Xa Nặc đáp: Thưa thái tử, vị này là người xuất gia tu hành, đã thoát ly đời sống thế tục.

Nghe Xa Nặc nói, thái tử lấy làm lạ, xuống xe đến chào vị tu sĩ và hỏi:
– Thưa ngài, vì sao ngài lại xuất gia tu hành?
– Thưa thái tử, tôi đã giác ngộ được sự vô thường giả tạm của cuộc sống, mạng người rất mong manh sớm còn tối mất, một hơi thở ra không trở lại đã ra người thiên cổ. Tôi không muốn để cho những thứ tiền tài, sắc đẹp, danh thơm, ăn ngon, ngủ kỹ làm cho mình phải đau khổ, sa đọa vào vòng tội lỗi. Tôi muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của tình ái trầm luân, của những dục vọng thấp hèn, của đời sống gia đình ràng buộc, để được tự do như cánh chim bay liệng trên bầu trời bao la vô tận. Vì muốn thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết trong vòng luân hồi sinh tử miên viễn; vì muốn hy sinh thân mình để tìm chân lý cứu độ chúng sinh thoát khỏi vô minh đau khổ, nên tôi phát nguyện xuất gia tìm đạo. Mục đích duy nhất của tôi hiện nay là tìm cho ra hạnh phúc hoàn hảo nhất và cao thượng nhất. Cho nên xuất gia phải là bậc đại nhân, đại trí, đại hùng, đại lực, đại từ bi mới có thể thực hiện được.

Thái tử nghe xong rất vui mừng vì đã gặp được người mở con đường sáng cho mình đi. Những lời lẽ của vị Sa môn nói rất đúng. Thái tử nghĩ: “Cuối cùng ta cũng đã tìm ra ý nghĩa thật của cuộc đời. Ta cũng sẽ từ bỏ gia đình, bắt đầu cuộc hành trình tìm hạnh phúc chân thật để chấm dứt tất cả khổ đau cho mình và cho người”.

Với ý chí kiên cường và trái tim tràn đầy tình thương, thái tử bảo Xa Nặc quay xe trở về hoàng cung.


Nỗi lo của vua Tịnh Phạn
 
Về tới cung điện, thái tử liền đi ngay vào phòng của vua. Chàng nắm chặt hai bàn tay lại – theo phong tục tập quán khi thỉnh cầu một việc quan trọng – và thưa: “Thưa cha, con muốn trở nên người lang thang vô gia cư để tìm ra con đường chấm dứt khổ đau. Xin cha cho phép con được rời khỏi cung điện này”.



Từ khi thái tử còn là đứa trẻ, vua đã lo sợ một ngày nào đó mình sẽ phải nghe những lời thỉnh cầu đáng ghét này. Song, những lo sợ ghê gớm ấy đã thành sự thật. Vua nghẹn ngào rơi lệ trả lời: “Con trai yêu quý của cha, hãy quên tư tưởng này đi. Con hãy còn quá trẻ, không đủ sức để sống đơn độc như những đạo sĩ. Ðợi đến khi tuổi già hãy đi cũng không muộn. Lúc này con phải ở lại Ca Tỳ La Vệ để cai trị vương quốc thay cha”.


“Dạ thưa cha, con sẽ ở lại nếu cha hứa với con bốn điều sau đây: Làm sao cho con trẻ mãi không già; làm sao cho con khỏe mãi không bệnh; làm sao cho con sống mãi không chết và làm sao cho con hết khổ đau. Nếu như cha không hứa giúp được con những điều này thì con phải ra đi tìm câu giải đáp”.


Vua bị lúng túng bởi những câu hỏi quái lạ này và ngài bắt đầu gay gắt với thái tử: “Hãy bỏ ngay những ý nghĩ ngu xuẩn này đi, Tất Ðạt Ða”.


Nhưng thái tử vẫn kiên quyết: “Thưa cha, nếu cha không thể cứu con thoát khỏi những nỗi lo già, bệnh, chết và khổ đau, thì xin cha cho con đi để con tìm đường tự cứu lấy mình. Không nên giữ con như một tù nhân ở đây”.

Vua không thèm nghe nữa. “Không để cho thái tử rời khỏi nơi đây. Hãy canh gác cung điện cẩn thận!”. Vua ra lệnh cho các quan xong, buồn rầu bỏ ra khỏi phòng.

14. Vượt thành tìm chân lý
Tất Ðạt Ða rời khỏi phòng vua cha và trở về cung điện của mình. Chàng đi ngang qua những căn phòng trang hoàng lộng lẫy, những hành lang tráng lệ, những dòng suối lấp lánh rồi về đến phòng của mình. Chàng đi giữa những nhạc công tài ba và những nàng hầu xinh đẹp đang biểu diễn, nhưng những thú vui này không còn thu hút thái tử. Lúc này chàng chỉ có một ý nghĩ trong đầu là rời khỏi cung điện đi tìm chân lý.

Ðêm đó, sau bữa ăn tối, các nhạc công, vũ nữ và lính canh đều mệt mỏi say ngủ. Ngay cả Da Du Ðà La cùng người con trai La Hầu La cũng say sưa trong giấc nồng. Thái tử nhìn vợ con và nghĩ: Ta muốn ôm đứa con trai vào lòng một lần cuối trước khi rời khỏi cung điện, nhưng e rằng sẽ đánh thức Da Du Ðà La và sẽ rất khó cho việc ra đi của ta. Thôi ta phải rời khỏi nơi đây gấp và thật im lặng trước khi mọi người thức giấc.

Thái tử bước nhẹ nhàng cẩn thận qua những người đang nằm ngủ, đi đến cửa sổ và trèo ra bên ngoài. Chàng đi tới chỗ Xa Nặc, người giữ ngựa đang nằm ngủ và khẽ đánh thức anh ta dậy: “Hãy sửa soạn ngựa cho ta nhanh đi Xa Nặc. Ta muốn đi ngay đêm nay”.



Xa Nặc rất ngạc nhiên không biết thái tử đi đâu vào lúc giữa đêm như thế này, nhưng không dám hỏi. Xa Nặc liền sửa soạn con ngựa Kiền Trắc và dắt nó đến chỗ thái tử. Tất Ðạt Ða vuốt ve con ngựa và thì thầm với nó: “Kiền Trắc, người bạn thân yêu của ta, chúng ta phải rất yên lặng. Ta không muốn đánh thức những người canh gác. Ðêm nay là một đêm rất đặc biệt”.

Thái tử và Xa Nặc rời khỏi cung điện. Họ lặng yên phóng ngựa đi trong đêm tối. Ðến ranh giới của thành phố, thái tử nhìn lại và phát nguyện: “Nếu ta không chinh phục được tất cả khổ đau, ta sẽ không trở lại thành phố Ca Tỳ La Vệ xinh đẹp này”.


Họ cưỡi ngựa suốt đêm. Khi mặt trời vừa mọc, họ đã tới cánh rừng yên tĩnh, nơi có rất nhiều đạo sĩ ẩn tu. Thái tử rất sung sướng và nghĩ: “Bây giờ cuộc tìm đạo của ta bắt đầu”. Rồi chàng quay qua Xa Nặc nói: “Xa Nặc, ta rất cám ơn sự giúp đỡ của bạn. Ta đã tới nơi mà ta mong muốn. Bây giờ là lúc bạn và con ngựa trở về cung điện được rồi”.


Xa Nặc không thể tin là thái tử sẽ không trở về cung điện với mình. Anh ta đứng lưỡng lự nơi đó, nước mắt bắt đầu chảy ra hai khóe mắt. Thái tử hiểu được nỗi buồn của Xa Nặc và an ủi anh ta: “Xa Nặc yêu quý của ta, đừng khóc nữa. Trước sau gì chúng ta cũng phải chia tay nhau. Hãy cầm những báu vật này mà ta đang đeo, ta không cần đến chúng nữa. Hãy trở lại hoàng cung và nói với cha ta rằng, ta ra đi không phải vì buồn giận, cũng không phải là ta không yêu thương gia đình. Thực ra vì ta thương yêu họ rất nhiều nên ta mới phải từ bỏ họ để ra đi như vầy. Nếu ta khám phá ra được con đường chấm dứt tất cả khổ đau, ta sẽ trở lại giúp họ. Nếu ta thất bại thì chẳng khác gì ta từ biệt luôn. Sớm hay muộn gì cái chết cũng sẽ đến với chúng ta bằng mọi cách. Hãy để ta bắt đầu cuộc hành trình tìm chân lý”.



Sau đó, chàng rút gươm ra và cắt mớ tóc dài của mình, một biểu hiện của hoàng gia, trao cho Xa Nặc cùng với các đồ trang sức quý báu, bảo đem về cho Da Du Ðà La.

Xa Nặc thấy không còn cách nào chuyển đổi được ý chí của thái tử, anh thắng ngựa chầm chậm từ giã thái tử. Nhiều lần anh và con ngựa ngoái nhìn lại phía sau, bùi ngùi rơi lệ chia tay. Cuối cùng, thì họ cũng đã về tới Ca Tỳ La Vệ. Xa Nặc đã buồn rầu kể lại với mọi người là thái tử Tất Ðạt Ða đã từ bỏ cuộc sống hoàng gia mãi mãi.

 Cuộc tìm đạo bắt đầu
 
Khi Tất Ðạt Ða đứng một mình trong cánh rừng bắt đầu cuộc tìm đạo vĩ đại, chàng nghĩ: “Kể từ hôm nay ta không còn là thái tử nữa. Vì thế ta không thể trang phục như người thế tục ...”. Sau đó, chàng gặp một người thợ săn nghèo và nói với ông ta rằng: “Thưa ông, tôi không cần những đồ tơ lụa quý giá này. Nếu tôi sống trong rừng, tôi sẽ mặc những thứ vải thô giống như ông. Vậy chúng ta hãy trao đổi lẫn nhau”. Người thợ săn rất ngạc nhiên và rất vui sướng được trao đổi những y phục đắt tiền như thế và nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị của Tất Ðạt Ða.

Bây giờ chàng đã hoàn toàn ăn mặc như người đạo sĩ bần hàn thật sự. Tất Ðạt Ða bắt đầu tìm thầy chỉ dạy cho chàng con đường chấm dứt mọi khổ đau.

Chàng đi vào rừng sâu và thưa hỏi tất cả các đạo sĩ mà chàng gặp. Nơi chàng đi qua đều được mọi người tiếp đón kính trọng. Cho dù bây giờ chàng mặc đồ rách rưới và chỉ ăn chút ít thức ăn xin được, nhưng tướng mạo của chàng trông vẫn rất đẹp trai và nổi bật. Khi những người ở trong rừng thấy chàng đến, họ đều nói với nhau: “Trông ông ta rất đặc biệt. Trên gương mặt ông biểu hiện nghị lực kiên cường. Nếu ông ta đi tìm chân lý, chắc chắn sẽ đạt được ý nguyện”.

Tất Ðạt Ða tìm học với một vài vị thầy, nhưng chàng không hài lòng với những gì họ chỉ dạy. Chàng nghĩ: Những thứ họ dạy đều có ích, nhưng không đưa đến an lạc tuyệt đối. Sau cùng, chàng nghe có một vài đạo sĩ rất thông thái hiện đang sống ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) nơi mà vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cai trị. Vì thế chàng quyết định đi đến đó để tìm họ.

Một hôm, chàng đang đi bộ ngang qua thành Vương Xá (Rajagriha), thủ đô của Ma Kiệt Ðà, chàng đến gần cổng của cung điện. Một trong những vị quan của nhà vua nhìn thấy chàng và vội về báo tin cho vua biết.

Ông ta nói một cách vui mừng: “Tâu bệ hạ, hạ thần vừa nhìn thấy một người đàn ông rất tuyệt vời trong thành phố. Ông ta mặc đồ rách rưới và xin thức ăn từ nhà này đến nhà khác, nhưng hạ thần tin chắc ông ta là một người đặc biệt. Gương mặt ông ta đầy nghị lực và dáng đi rất oai nghiêm. Dường như có một thứ ánh sáng kỳ diệu tỏa ra từ thân thể ông ta”.

Vua nghe xong rất vui mừng và cho mời Tất Ðạt Ða vào cung điện. Họ nói chuyện với nhau một lúc và vua rất khâm phục trí thông minh, tính khiêm tốn và lòng tử tế của chàng. Vua nói: “Tôi chưa gặp một người nào mà tôi cảm thấy mến mộ tin yêu như Ngài. Xin Ngài ở lại Vương Xá và giúp tôi cai trị vương quốc này”.

Tất Ðạt Ða trả lời một cách lịch sự: “Tâu bệ hạ, tôi đã có cơ hội để cai trị một vương quốc rồi, nhưng tôi đã từ bỏ. Tôi không quan tâm đến sự giàu sang và quyền lực, chỉ muốn tìm chân lý. Xin cám ơn ân huệ của ngài, tôi đến đây chỉ để tìm thầy học đạo”.

Khi ấy vua cúi chào người đàn ông rách rưới và nói: “Xin chúc may mắn trên con đường tìm đạo của Ngài. Nếu sau này Ngài tìm ra chân lý, xin hãy trở lại chỉ dạy cho tôi. Nhưng nếu Ngài thất bại tôi vẫn sẵn sàng đón nhận Ngài về vương quốc của tôi”.

Tất Ðạt Ða cám ơn lòng tốt của vua và rời khỏi cung điện tiếp tục con đường tầm sư học đạo của mình.

Sáu năm chiến đấu
 
Cuối cùng Tất Ðạt Ða đã đến khu rừng nơi mà các đạo sĩ thông thái đang sống. Ðầu tiên Ngài học với Arada và Udraka. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài quán triệt những gì mà họ đã dạy, nhưng Ngài vẫn không hài lòng, Ngài tự nhủ: “Những vị thầy của ta là bậc cao quý, song những lời mà họ dạy ta không đem lại sự chấm dứt tất cả khổ đau. Ta phải tự mình tiếp tục tìm kiếm”.

Ngài tiếp tục cuộc hành trình của mình và đi đến con sông Nairangang, gần đất thánh Gaya. Ngài vượt qua con sông và vào khu rừng của bờ bên kia. Tại đây, Ngài gặp một nhóm năm người. Ðời sống của họ hết sức đơn giản. Họ ăn rất ít, sống ở ngoài trời và ngồi im lặng nhiều giờ mỗi ngày.

Tất Ðạt Ða hỏi họ: “Tại sao các vị lại hành hạ xác thân như thế?”
Họ trả lời: “Ða phần người ta sống trên cuộc đời này đều dung dưỡng xác thân, song vẫn phải chịu nhiều khổ đau, chúng tôi nghĩ rằng, nếu mình có thể chịu đựng được sự đau khổ của thân xác, thì sẽ tìm ra được phương pháp làm chủ tất cả khổ đau”.

Tất Ðạt Ða tự nghĩ: “Ðã nhiều năm qua ta sống trong cung điện hưởng mọi thứ sung sướng. Ta được đối xử rất tử tế, nhưng trong tâm vẫn không được an lạc. Có lẽ những người này nói đúng. Ta sẽ nhập môn với họ để thực hành khổ hạnh xem có thể đưa đến sự chấm dứt khổ đau không”.


Từ đó, Ngài bắt đầu thực hành khổ hạnh như những vị này. Ngài ngồi từ giờ này đến giờ khác cùng một chỗ, cho dù hai chân và lưng đau đớn vô cùng, Ngài cũng không động đậy. Ngài chịu đựng cái nắng nóng cháy của mùa Hè; rồi đến những cơn gió lạnh buốt của mùa Ðông. Ngài chỉ ăn một ít thức ăn đủ để cầm hơi tu tập. Ngài tự nghĩ: “Ta phải tiếp tục khổ hạnh và quyết tâm khám phá con đường thoát khỏi tất cả khổ đau”.
Năm đạo sĩ rất kinh ngạc về cách tu của Tất Ðạt Ða. Họ nói với nhau: “Chúng ta chưa thấy một người nào có sự quyết tâm như ông này. Ông ta kiềm chế thân mình không một chút lơ là. Nếu một người nào đó thành công trong sự thực hành phương pháp khổ hạnh này thì người đó chính là Tất Ðạt Ða. Chúng ta hãy ở gần bên ông ta để khi ông ta khám phá ra chân lý chúng ta sẽ được học hỏi với ông”.

Tất Ðạt Ða hành xác ngày càng khắc nghiệt hơn. Từ lúc bắt đầu khổ hạnh, Ngài chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm, rồi cuối cùng Ngài thức suốt không ngủ. Ngài cũng không ăn một bữa ăn nào mà chỉ dùng một vài thứ hạt hoặc trái cây do gió bay vào vạt áo của Ngài.



Thân hình Ngài ngày một gầy ốm tiều tụy. Thân thể mất đi sự tươi nhuận và bao phủ đầy bụi bẩn. Lúc này Ngài trông giống như một bộ xương người còn sống. Nhưng Ngài vẫn kiên trì không từ bỏ thực hành khổ hạnh.


Sáu năm trời trôi qua. Tất Ðạt Ða rời khỏi cung điện và từ bỏ những lạc thú lúc 29 tuổi. Bây giờ Ngài đã 35 tuổi, trải qua 6 năm khổ hạnh, ăn, mặc, ngủ đều thiếu kém. Một hôm Ngài nghĩ: “Bây giờ ta đã đến gần mục đích hơn sáu năm về trước chưa? Hay là ta vẫn vô minh như trước? Khi còn là thái tử ta đã sống trong sự xa hoa và tận hưởng mọi lạc thú của cuộc đời. Ta đã lãng phí nhiều năm trong ngục tù dục lạc.


Khi ta từ bỏ hoàng cung bắt đầu tầm đạo, ta đã sống trong rừng, hang động và không có một thứ gì khác ngoài những bữa ăn đơn sơ và khổ hạnh thân thể. Thế nhưng cho đến nay ta vẫn chưa tìm ra con đường chấm dứt khổ đau. Bây giờ ta mới hiểu ra rằng, thật sai lầm khi hành hạ thân xác như thế này. Nó cũng giống như sự sai lầm lãng phí nhiều năm trong dục lạc nơi cung điện trước đây. Muốn tìm ra chân lý ta phải đi theo con đường trung đạo, không nên hưởng thụ quá và cũng không nên khổ hạnh ép xác quá”.


Ngài nhớ lại nhiều năm về trước. Sau khi nhìn thấy người chết, Ngài đã thiền định ở dưới cây Gioi. Ngài nghĩ: “Sau lúc thiền định ấy, tâm trí ta rất thanh tịnh. Ta có thể nhận định sự vật một cách rõ ràng. Bây giờ ta cố gắng tập trung ý chí như vậy một lần nữa xem sao”.

Nhưng khi Ngài nhìn lại thân thể của mình, Ngài nghĩ: “Ta ngồi đây đã lâu mà không ăn vì thế thân thể đã mệt nhọc, dơ bẩn và ốm yếu. Ta ốm quá đến nỗi nhìn thấy cả xương xuyên qua làn da. Làm thế nào ta có thể thiền định khi thân thể quá đói và dơ bẩn?”.

Ngài cố gượng dậy và đi đến bên bờ sông để tắm. Tuy thế Ngài quá yếu đến nỗi té xuống sông và có nguy cơ bị chết đuối. Ngài cố gắng hết sức mình bám lấy bờ đất lần mò lên bờ. Lên được tới bờ, Ngài ngồi nghỉ và thở một lát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét